Lập di chúc ra sao?

Tôi nay đã già, muốn lập di chúc để lại tài sản cho vợ, con thì phải làm như thế nào?

Có người bạn mách chỉ cần viết tay thì cũng được công nhận là di chúc, có đúng không? Tờ di chúc phải có điều kiện gì để được công nhận là hợp pháp?

Nguyễn Thanh Phong (Quận Phú Nhuận, TP.HCM)

Luật sư BÙI QUANG LIÊM (Đoàn Luật sư TP.HCM) trả lời: Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Thứ nhất, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Thứ hai, nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện quy định ở trên. Tuy nhiên, ông cần lưu ý thêm, Điều 655 bộ luật này quy định di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 của bộ luật này. Cụ thể, nội dung của di chúc phải ghi rõ: Ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản; việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

TRÂN CHÍNH ghi

Đơn phương chẩm dứt Hợp đồng uỷ quyền trước thời hạn

Đơn phương chẩm dứt Hợp đồng uỷ quyền trước thời hạn

Trong nhiều trường hợp một trong hai bên nhận uỷ quyền và uỷ quyền không hài lòng về các thực hiện công việc của đối phương, họ có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng uỷ quyền và yêu cầu các lợi ích hợp pháp của mình.

Việc ký Hợp đồng ủy quyền hay Giấy ủy quyền chỉ là hình thức ủy quyền, nhưng bản chất của việc ủy quyền vẫn là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.

Việc lựa chọn hình thức ủy quyền như thế nào là do các bên tự thỏa thuận với nhau. Đối với Hợp đồng ủy quyền, thì bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền phải cùng nhau ký vào hợp đồng. Còn đối với Giấy ủy quyền, bên ủy quyền chỉ cần ký tên, đóng dấu.

Theo quy định Bộ Luật Dân sự 2005, việc đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền là ý chí chủ quan của người ủy quyền mà không cần xem xét lý do.

Theo đó, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên nhận ủy quyền tương ứng với công việc đã thực hiện hoặc bồi thường thiệt hại nếu có thoả thuận.

Đối với công việc ủy quyền không có thù lao, bên ủy quyền cũng có thể chấm dứt bất cứ lúc nào và phải báo cho bên nhận ủy quyền trước một thời gian hợp lý. Nhưng nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng trái pháp luật, nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường.

Xét về khía cạnh thực tiễn, Hợp đồng ủy quyền nếu được công chứng (dù không bắt buộc) thì càng có giá trị. Bởi lẽ lúc này, ngoài việc Hợp đồng ủy quyền xác nhận bởi hai bên mà còn có sự công nhận tính xác thực, tính hợp pháp của bên thứ ba.

Nhưng khi hủy bỏ hay chấm dứt Hợp đồng ủy quyền thì vấn đề Hợp đồng ủy quyền đã được công chứng nhìn nhận khác.

Về mặt pháp lý, việc hủy bỏ hoặc chấm dứt Hợp đồng là hành vi pháp lý đơn phương chứ không phải là song phương hay đa phương, nên thủ tục không bắt buộc phải có sự đồng ý của cả các bên và không cần phải công chứng văn bản thông báo hủy hoặc đơn phương chấm dứt đó.

Tuy nhiên, Luật Công chứng viên 2006 quy định “việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng” đã vô tình làm hạn chế quyền đơn phương hủy bỏ Hợp đồng ủy quyền của bên ủy quyền hoặc bên nhận ủy quyền.

Thay vào đó, công chứng viên thường chỉ thừa nhận việc đơn phương hủy bỏ bằng hình thức “thỏa thuận chấm dứt hợp đồng”.

Công ty luật PLF