Niêm yết thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, khai nhận di sản thừa kế

Niêm yết thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, khai nhận di sản thừa kế

Pháp luật hiện hành quy định về việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn bao lâu và thực hiện niêm yết ở những địa điểm nào, nội dung niêm yết gồm những vấn đề gì?

Nguyễn Thị Hồng Thắm

Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - quốc gia, ĐT: 04.37622619 - 37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:

- Điều 19, Nghị định 04/2013/NĐ-CP ngày 07-01-2013 của Chính phủ hướng dẫn Luật Công chứng, quy định như sau:

1. Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của UBND xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. Trong trường hợp di sản thừa kế ở nhiều địa phương thì việc niêm yết được thực hiện tại UBND xã nơi có các di sản thừa kế đó. Trong trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ là bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo hướng dẫn nêu trên; nếu không xác định được cả hai nơi này thì niêm yết tại UBND xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản. Trong trường hợp di sản chỉ là động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị UBND xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

2. Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Cuối bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót di sản thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

3. UBND xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết.

 

Đơn phương chẩm dứt Hợp đồng uỷ quyền trước thời hạn

Đơn phương chẩm dứt Hợp đồng uỷ quyền trước thời hạn

Trong nhiều trường hợp một trong hai bên nhận uỷ quyền và uỷ quyền không hài lòng về các thực hiện công việc của đối phương, họ có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng uỷ quyền và yêu cầu các lợi ích hợp pháp của mình.

Việc ký Hợp đồng ủy quyền hay Giấy ủy quyền chỉ là hình thức ủy quyền, nhưng bản chất của việc ủy quyền vẫn là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.

Việc lựa chọn hình thức ủy quyền như thế nào là do các bên tự thỏa thuận với nhau. Đối với Hợp đồng ủy quyền, thì bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền phải cùng nhau ký vào hợp đồng. Còn đối với Giấy ủy quyền, bên ủy quyền chỉ cần ký tên, đóng dấu.

Theo quy định Bộ Luật Dân sự 2005, việc đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền là ý chí chủ quan của người ủy quyền mà không cần xem xét lý do.

Theo đó, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên nhận ủy quyền tương ứng với công việc đã thực hiện hoặc bồi thường thiệt hại nếu có thoả thuận.

Đối với công việc ủy quyền không có thù lao, bên ủy quyền cũng có thể chấm dứt bất cứ lúc nào và phải báo cho bên nhận ủy quyền trước một thời gian hợp lý. Nhưng nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng trái pháp luật, nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường.

Xét về khía cạnh thực tiễn, Hợp đồng ủy quyền nếu được công chứng (dù không bắt buộc) thì càng có giá trị. Bởi lẽ lúc này, ngoài việc Hợp đồng ủy quyền xác nhận bởi hai bên mà còn có sự công nhận tính xác thực, tính hợp pháp của bên thứ ba.

Nhưng khi hủy bỏ hay chấm dứt Hợp đồng ủy quyền thì vấn đề Hợp đồng ủy quyền đã được công chứng nhìn nhận khác.

Về mặt pháp lý, việc hủy bỏ hoặc chấm dứt Hợp đồng là hành vi pháp lý đơn phương chứ không phải là song phương hay đa phương, nên thủ tục không bắt buộc phải có sự đồng ý của cả các bên và không cần phải công chứng văn bản thông báo hủy hoặc đơn phương chấm dứt đó.

Tuy nhiên, Luật Công chứng viên 2006 quy định “việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng” đã vô tình làm hạn chế quyền đơn phương hủy bỏ Hợp đồng ủy quyền của bên ủy quyền hoặc bên nhận ủy quyền.

Thay vào đó, công chứng viên thường chỉ thừa nhận việc đơn phương hủy bỏ bằng hình thức “thỏa thuận chấm dứt hợp đồng”.

Công ty luật PLF